Mở khoá làng Hunderman
Làng Hunderman có khoảng 30 nóc nhà nằm cách Kargil khoảng 11km. Người ta truyền tai rằng ngôi làng này đã hơn 300 tuổi và trước năm 1971 nó là một phần của Pakistan. Hunderman vẫn khá tách biệt cho đến năm 2014 khi nó được kết nối giao thông. Vài năm vừa qua, Hunderman và một vài làng lân cận đã phải đối mặt với hạn hán. Lượng tuyết rơi sụt giảm khiến người dân không thể trồng được gì cả, kể cả cây mơ và những loài cây khác cũng dần dần héo mòn. Dân làng đã bắt đầu phải sử dụng đến giếng nước vốn chỉ phục vụ cho sinh hoạt thiết yếu.
Để sinh tồn, phần lớn người dân từ làng Hunderman phải lao động bằng cách vận chuyển nhu yếu phẩm cho quân đội đến biên giới trên lưng lừa. Họ có thể kiếm khoảng 650 rupees cho một chuyến tới đồn ở biên giới. Vài người làng thì làm việc khác hoặc buôn bán nhỏ lẻ.
Điều thú vị đối với du khách đến đây là tình trạng biên giới với Pakistan, đứng tại đây bạn có thể nhìn thấy một khu định cư bỏ hoang tên Brolmo phía bên kia biên giới thông qua một ống nhòm được lắp bởi một nhà hàng địa phương. Ngoài ra còn có một xóm bỏ hoang ở Hunderman có một bảo tàng tên “Unlock Hunderman Museum of Memories.” Trưng bầy ở đó là các hiện vật của dân làng đã từng sống ở đó. Ngôi làng đã phải chịu đựng rất nhiều vất vả trong cuộc chiến năm 1999 và cuộc sống sống ở đó vẫn bị xáo trộn cho đến tận năm 2003. Dấu vết phá huỷ bởi bom đạn vẫn còn hiện hữu trên những căn nhà. Khi chiến tranh diễn ra, người làng phải lẩn trốn bên trong những căn nhà bỏ hoang ngày nay, đặc biệt là những ngôi nhà có mái kiên cố hơn làm từ đá. Bao gồm cả ngôi nhà trở thành bảo tàng ngày nay. Trong quá khứ, khu vực này của làng từng là khu định cư mùa đông. Vào mùa hè người làng sẽ ở tại Hunderman “brok” (cánh đồng của Hunderman), hiện nay họ đã chuyển hẳn đến ở đó.
Hunderman đã phải chịu đừng từ những cuộc chiến, hạn hán và giờ đây như mọi nơi khác khắp Ấn Độ, dịch bệnh Covid. Người ta kể với tôi rằng vài người làng đã rời Hunderman để tìm cho mình những cơ hội tốt hơn. Nguồn nước cạn kiệt trở nên dai dằng và dường như nơi đây ngày càng mất đi mầu xanh tươi vốn có.